Chuyện Thiền - Ở Lại Nơi Đây (Ajahn Chah)

CHUYỆN THIỀN


CON TRÂU

        Sự suy nghĩ của chúng ta đuổi theo các pháp trần của lục căn, bất kể chúng đi đâu. Thế nhưng, không phải pháp trần nào cũng là có thật. Tất cả chúng đều là vô thường, khổ và vô ngã. Khi chúng dấy sinh, hãy quan sát chúng và nhìn thấy những gì đang diễn ra. 
        Điều này cũng giống như việc chăn trâu trên ruộng. Khi ai đó chăn trâu, anh ta cho phép nó bước tới bước lui thoải mái, nhưng vẫn không ngừng để mắt đến nó. Nếu con trâu bước gần đến đám lúa, anh ta la nó, và con trâu bước lùi lại. Nếu không nghe lời, nó sẽ bị quất roi. Người chăn trâu đó không thể ngủ gật được, nếu không khi thức dậy, anh ta sẽ thấy đám lúa đã bị gặm sạch.
        Tâm cũng giống như con trâu đó, và những cây lúa chính là lục trần (các đối tượng của giác quan).  Người chăn trâu là người chủ. Khi quán sát tâm, người chủ để ý hết mọi thứ. Người đó nhìn thấy tâm ra sao khi nó chạy theo các pháp trần, và tâm ra sao khi nó không chạy theo chúng. Khi người ta quán tâm như vậy, trí huệ sẽ khởi sinh. Khi tâm gặp một pháp trần, nó sẽ ghì chặt, giống như con trâu sẽ nhai cây lúa khi nó bắt gặp. Do đó, bất luận tâm có chạy đi đâu, quý vị cũng phải canh chừng nó. Khi nó đến gần đám lúa, hãy la nó. Nếu nó không chịu nghe lời, hãy đánh cho nó một gậy.

RẮN MỐI

     Kinh Phật có đưa ra một ví dụ về việc một người cố gắng bắt con rắn mối đang lẫn trốn trong gò mối. Có sáu cái lỗ trong gò mối đó. Bây giờ, nếu con rắn mối đã bò vào trong ấy, làm thế nào anh ta có thể bắt được đây? Anh ta sẽ phải lắp năm cái lỗ, chỉ chừa lại một cái mà thôi. Thế rồi anh ta sẽ phải ngồi xuống và canh cái lỗ đó. Khi con rắn mối bò ra - bụp! - anh ta chụp được nó.
     Việc quan sát tâm cũng giống như vậy. Bằng cách khép đôi mắt, đôi tai, lỗ mũi, lưỡi và thân, người ta chỉ chừa lại có cái tâm mà thôi. Khép lại có nghĩa là câu thúc ngũ quan, chỉ chừa lại cái tâm để quan sát. Thiền cũng giống như chuyện bắt con rắn mối.

TÊN TRỘM VÀ SÁT NHÂN

     Thân và tâm của quý vị cũng giống như một lũ ăn trộm và sát nhân. Chúng không ngừng lôi quý vị vào biển lửa của dục tham, sân hận và si mê. Chúng lừa gạt quý vị thông qua những khoái lạc của lục trần. Chúng réo gọi bằng những tiếng gọi du dương ngọt ngào từ phía bên kia cánh cửa, răng: "Ồ, hãy đến đây, xin hãy đến đây". Và khi quý vị mở cửa, chúng liền bắn quý vị ngay.

CON DAO BÉN

      Khi nói rằng tâm đã tịnh, chúng ta cảm thấy như thể nó đã dừng lại, rằng nó không còn chạy khắp nơi. Điều đó cũng giống như chúng ta đang có một con dao bén. Nếu chúng ta chặt vào mọi thứ một cách tùy hứng, như vào đá, gạch và thủy tinh chẳng hạn, con dao của chúng ta sẽ mau chóng bị cùn. Chúng ta phải cắt hay chặt vào những thứ có ích để chặt.
     Tâm chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta cho phép tâm của mình lang thang chạy theo những suy nghĩ và cảm xúc vô ích hay vô giá trị, tâm sẽ bị đuối sức bởi nó chẳng có dịp nào để nghỉ ngơi. Nếu tâm không có lực, trí huệ sẽ không nảy sinh, bởi vì tâm không có khí lực là tâm không có sức tập trung.

CON ẾCH

      Càng xao lãng việc tu hành, càng xao lãng trong việc đến chùa để nghe pháp bao nhiêu, tâm của quý vị sẽ càng dễ bị trầm mịch nhiều bấy nhiêu, giống như con ếch nhảy vào một cái hố. Ai đó cầm cần câu đến và thế là xong đời con ếch. Nó chẳng còn cơ hội. Tất cả những gì nó có thể làm là vươn cổ ra đớp mồi và bị mắc câu. Dó đó, hãy coi chừng kẻo quý vị cũng bị lọt vào cái hố giống như con ếch. Có thể ai đó cầm cần câu đến và câu quý vị lên.
      Ở nhà, bị quấy rầy bởi con cháu và tiền bạc, của cải, quý vị thậm chí còn lâm vào tình cảnh tệ hại hơn cả con ếch! Quý vị không biết phải làm sao để thoát khỏi những thứ đó. Khi tuổi già, bệnh tật và cái chết đến, quý vị sẽ làm gì? Đây là lưỡi câu sẽ bắt được quý vị. Quý vị sẽ tránh đi đường nào?

CHIẾC LÁ

      Ngay bây giờ chúng ta đang ngồi trong một khu rừng bình yên. Ở đây, nếu không có gió, chiếc lá vẫn bình yên. Khi có gió thổi, nó rung rinh và phất phới.
      Tâm cũng giống như chiếc lá đó. Khi giao tiếp với pháp trần (cảm xúc của tâm), nó cũng rung rinh và phất phới theo tự tính của cảm xúc đó. Và chúng ta càng thiếu hiểu biết về Pháp bao nhiêu, tâm sẽ càng không ngừng chạy theo các pháp trần nhiều bấy nhiêu. Với cảm xúc hạnh phúc, nó sẽ bị lôi cuốn theo hạnh phúc. Với cảm xúc khổ đau, nó liền chạy theo sự khổ đau. Nó không ngừng quay cuồng theo gió.

CÂY GAI

        Mọi sự vật và hiện tượng đều hiện hữu đúng như chúng đang là. Chúng chẳng gây khổ cho bất kỳ ai. Điều đó giống như một cái gai nhọn. Nó khiến bạn bị khổ? Không, nó chỉ là một cây gai. Nó chẳng gây bối rối cho bất kì ai. Nhưng nếu quý bị đi và giẫm lên nó, quý vị sẽ khổ. Tại sao có sự khổ đó? Bởi vì cây gai chỉ quan tâm đến công việc của nó. Nó không làm hại ai. Bởi chính chúng ta mới có sự đau đớn khi giẫm lên nó. Sắc tướng, cảm xúc, nhận thức, ý muốn, suy nghĩ,...mọi thứ trên đời này đơn thuần là hiện hữu đúng như chúng đang là. Chính chúng ta mới là kẻ có tình sinh sự với chúng. Và nếu chúng ta đánh chúng, chúng sẽ đánh trả lại. Nếu được để yên, chúng chẳng hề quấy rầy một ai.

CÁI KHAY BẨN

        Nhiều người lấy làm vui rằng bởi tâm có bản tính cố hữu là thanh khiết, bởi tất cả chúng ta đều có Phật tính, nên không cần phải tu tập nữa. Nhưng điều này cũng giống như việc lấy vật gì đó sạch, như cái khay chẳng hạn, và rồi tôi lại làm rơi chất bẩn lên nó. Quý vị có nói rằng cái khay này tự nguyên thủy là sạch rồi, và do đó bây giờ không cần phải lau nữa không?

CON SÂU

        Một số người đến và hỏi tôi rằng người đã hiểu được sự vô thường, khổ và vô ngã có muốn buông bỏ hoàn toàn mọi thứ và trở nên buông lung, giãi đải hay không. Tôi nói với họ rằng không hề có chuyện đó. Trái lại, họ càng trở nên tinh cần, làm mọi việc mà không bám chấp, và chỉ làm những điều hữu ích. 
          Và rồi họ nói, "Nếu mọi người tu tập theo Pháp, thế gian này sẽ chẳng có cái gì thành sự cả, sẽ chẳng có tiến bộ. Nếu mọi người đã giác ngộ, sẽ chẳng còn ai có con cái, và nhân loại sẽ bị tuyệt chủng". Nhưng lời này cũng giống như việc con sâu lo rằng nó sẽ bị hết lá mục, đúng không?

Comments

Popular Posts