Những Vấn Đề Làm Đau Đầu Những Ai Muốn Tìm Hiểu

BIẾT ĐỂ LÀM GÌ?



1. Khi nhắm mắt lại thì chúng ta thấy hay không thấy? Nếu thấy thì cái thấy đó là bên trong hay bên ngoài chúng ta? (Kinh Lăng Nghiêm)

Có thể là thấy một màu tối đen, một khoảng không mênh mông (hoặc thấy những gì chúng ta tưởng tượng ra). Nếu nói thấy bên trong bộ não thì nghe có vẻ không ổn vì dẫu sao cũng không giống với những gì chúng ta hay nghĩ, nếu nói là bên ngoài thì càng không phải rồi. Vậy nếu không phải bên trong và cũng không phải bên ngoài thì liệu đó có phải là ranh giới?

2. Khi tự nói với chính mình (suy nghĩ trong đầu) thì chúng ta có nghe tiếng nói của mình không? Nếu không thì sao chúng ta có thể hiểu được những gì mình nghĩ? Nếu có thì liệu đó có phải là âm thanh không, chúng ta nghe được những thứ không phải là âm thanh ư? Có thể có một thứ gì đó vừa không phải là âm thanh vừa không phải là sự yên lặng không?

3. Một vị thần toàn năng có thể tạo ra một tảng đá mà bản thân ngài ấy cũng không thể nhấc lên nổi không?
Nếu không thể tạo ra thì sao có thể gọi là toàn năng được? Nếu tạo ra được một tảng đá mà chính bản thân ngài ấy cũng không thể nhấc lên nổi thì cũng không phải là toàn năng, vì toàn năng đồng nghĩa với việc gì cũng làm được. Và, thêm một câu hỏi đặt ra là, nếu ngài ấy là một vị thần toàn năng thì liệu có cần thiết phải chứng minh cho bất kì ai điều đó hay không? (Nếu tôi là vị thần toàn năng thì đại loại là tôi sẽ biến thành một tảng đá hoặc biến người hỏi thành một tảng đá vậy)

4. Đâu là khoảnh khắc giữa ngày cũ và ngày mới? Có phải là giây thứ 60 lúc 23h59 phút 59 giây?
Thật khó mà tìm được lằn ranh giữa ngày cũ và ngày mới. Nếu chúng ta nói rằng có mà chúng ta lại không thể tìm thấy nó ở đâu thì thật lạ, hay nó chỉ có trong sự ngộ nhận của chúng ta về thời gian? Nếu chúng ta tuyên bố rằng không bao giờ có cái khoảnh khắc giữa ngày cũ và ngày mới, vậy thì có vẻ như tất cả là một chuỗi liên tục đến bất tận, không bị cắt ra thành trước sau, mới cũ như chúng ta vẫn nghĩ mình cảm nhận như thế.

5. Có 3 người con gái với trang phục giống nhau như đúc, khuôn mặt được khăn che một nửa (nhìn bên ngoài sẽ không thể phân biệt được ai là ai). Trong 3 cô gái ấy, người chị cả luôn luôn nói thật, người em út luôn luôn nói dối, người còn lại thì có lúc nói thật, có lúc nói dối, không thể đoán trước được. Có một chàng trai muốn đến cầu hôn và thử thách được đặt ra là chàng trai ấy chỉ được chọn 1 người bất kì trong 3 người để hỏi 1 câu duy nhất. Sau khi hỏi xong thì chàng trai đó phải đưa ra quyết định lựa chọn 1 trong 3 cô gái ấy về làm vợ, chàng trai này rất e ngại trường hợp của cô thứ 2, chỉ hy vọng chọn được cô chị cả hoặc cô em út. Vậy, anh chàng này phải hỏi câu gì để có thể tìm được người chị cả hoặc cô em út? Biết rằng 3 cô gái này đều biết vai vế của nhau và chàng trai phải đứng cách 3 cô gái 5m và không được di chuyển, không được yêu cầu 3 cô làm bất kì điều gì, không được yêu cầu sự trợ giúp của bất kì ai, anh ta phải suy nghĩ về câu hỏi mình cần phải đặt.

6. Tại sao sự quan sát của người quan sát lại ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả trong thí nghiệm khe đôi nổi tiếng giới vật lý học?
Nếu nói nôm na, sự biết của chúng ta sẽ làm thay đổi chính cái cấu trúc của những gì mà chúng ta tạo ra. Điều này cũng thật rõ ràng, khi chúng ta thật sự biết về điều gì đó, những cái chúng ta thấy sẽ là những gì được thể hiện một cách tự bản chất.

7. Tại sao những vật có khối lượng lại được cấu tạo từ những hạt không có khối lượng? Những hạt hạ nguyên tử, những electron,...hay chỉ là những dòng thông tin và năng lượng? Cái gì có vấn đề trong câu hỏi này? Có vẻ như hai từ "khối lượng" mới là vấn đề chứ không phải nội dung câu hỏi. Vậy, khối lượng là gì? Những gì khoa học mô tả về nó liệu có đủ để chúng ta hiểu một cách tường tận hay vốn dĩ "khối lượng" chỉ là một điều gì đó chỉ áp dụng cho việc trao đổi với nhau chứ không thể dùng để giải thích tự tính của thực tại?

8. Ý thức là trừu tượng hay vật chất là trừu tượng? Có vẻ thật không dễ để hiểu, cả vật chất và ý thức đều dao động qua lại giữa hay thái cực này. Vậy, con người bao gồm cả vật chất và ý thức, con người "đôi khi" cũng trừu tượng không kém. Thông thường thì chúng ta không chấp nhận vật chất là trừu tượng vì nó có vẻ rắn chắc và tỏ ra rất thực, ý thức thì đôi khi rõ ràng, đôi khi mờ ảo, huyền bí. Nhưng đó chưa phải là vấn đề, vấn đề ở đây là liệu những gì chúng ta nghĩ (và thường hay biết) về vật chất và ý thức có mang tính trừu tượng và phi lý hay không.


Comments

Popular Posts